Về nguồn

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Dường  như  tạo hoá  cũng  tham  gia vào  thú  chơi  sắp đặt. Quần thể đá tạo nên  dáng  của  một hòn  non  bộ  khổng lồ  giữa  thiên  nhiên, với  nhiều  tên  gọi. Nào là Ðá Thành, Ðá Bàn  Cờ,  Ðá  Chùm, Ðá Dựng...

Lúc nhỏ, một lần tôi được nghe bài giảng từ cha xứ Sông Cạn, vừa chân thật vừa khôi hài: Thánh Phao Lô, giữ chìa khóa cửa Thiên Đàng, hễ thấy chàng nào lên Nước Trời mà mang kè kè theo cái võng và ràng bánh tráng là biết ngay hắn đích thị dân Bình Định.

Chiếc võng và bánh tráng đã góp phần làm nên chiến thắng Đống Đa thế kỷ XVIII. Nó đã làm xong vai trò lịch sử, được nhiều nhà sử học, nhiều nhà văn hóa nhắc đến như một sáng tạo độc đáo trong hoàn cảnh khó của con người muốn chinh phục số phận. Sau cuộc hành quân tiến ra Thăng Long, người Bình Định lại đổ ghiền hai món này chăng? Thật khó xác định. Nhưng có một điều chắc chắn ở xứ Nẫu nhà nào cũng treo lủng lẳng ít nhất một chiếc võng. Mà võng có nhiều loại lắm: nào là thơm tàu, võng trân, võng xơ dừa… Nhà tranh vách đất thì dựa vào mầm trỉ trong vách mà dùi lỗ cột dây. Nhà lá mái, tiện hơn, hai cột đối diện làm hai đầu võng thật chắc. Đến thời bê tông, chủ nhà yêu cầu thợ đặt vào tường những cái móc võng bằng sắt.

Còn món "bánh tráng bẻ giòn giòn"(Chữ dùng của Xuân Diệu) biến hoá thành  nhiều  loại.  Bánh  tráng  mì  bột  nhứt  trong  suốt,  bánh  tráng  mì  bột  nhì xám đục (hai loại này được chế biến từ củ mì). Bánh tráng củ lang tròn như chiếc đĩa trung. Không thể quên nhắc bánh tráng nước dừa Tam Quan, bánh tráng mè Tây Sơn…,mỗi thứ đều có nét độc đáo riêng, tạo thành "gu" ẩm thực dân xứ nẫu.

Tuổi học trò, chúng tôi tham gia nhiều cuộc dã ngoại Hướng Đạo, thường được gọi là “Về nguồn”. Đích đến thường là Hầm Hô. Những chuyến đi ấy đã giúp thế hệ chúng tôi thêm nhiều kỹ năng sống. Thuở ấy, núi còn hoang sơ, ba bề xanh tươi, lộc vừng lặng lẽ thả từng chùm hoa đỏ rực soi gương Đá Hàng biêng biếc. Những cành lan rừng treo vào thân Cầy, Ké… đủ màu của Hồ Điệp, Lưỡi Trâu, Nhất Điểm Hồng… Và đá, đá nhiều vô kể.

Dường như tạo hoá cũng tham gia vào thú chơi sắp đặt. Quần thể đá tạo nên dáng của một hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên, với nhiều tên gọi. Nào là Ðá Thành, Ðá Bàn Cờ, Ðá Chùm, Ðá Dựng, Dấu chân Khổng Lồ, Ðá Trái, thác Cá Bay… Thế nên Hầm Hô còn có tên gọi khác: "Hầm Hô Thạch Trụ". Có người qua đây cảm tác đặt thành ca dao khắc trên đá:

"Hầm Hô có đá Khổng Lồ
Có hang Bảy Cử có vò rượu sôi"

Bên những tảng đá lớn, vắt vẻo những ngôi nhà sàn treo giữa cây và nước là điểm hội tụ cho các cuộc hội ngộ bạn bè, sinh hoạt văn nghệ. Võng lại lủng lẳng trên những nhà sàn ấy. Nhà tôi không xa Hầm Hô là mấy, nhưng vài tuần, tôi lại bần thần, tâm trí như thiêu thiếu một thứ gì. Hình như nhớ… một tiếng chim lích chích trong kẽ lá, một mùi hương ngai ngái từ cành xương lá mục.

Tôi lục lại hành trang.

Vẫn  là  một  cây  đàn,  một  chiếc  võng  và  bánh  tráng,  thêm  bì  mắm  cơm. Đơn giản chỉ vậy. Đó là cách tiếp vật gây hứng để "refresh" mình, cùng khơi lại sự thân thiện với thiên nhiên, đất trời. Sau vài giờ ngược dòng sông Kút phía thượng nguồn chọn một nơi cô tịch, võng được mắc vào hai thân cây. Chọn một tảng đá lớn và tôi lim dim tận hưởng thứ âm nhạc không lời của thác nước, của tiếng chim và gió đại ngàn…

Xong một giấc ngủ "đã đời", không vội vã; bạn hãy làm như chúng tôi, rải một ít mắm cơm lên những tảng đá gần dòng nước. Mươi phút sau, bầy cua đá đánh hơi lần ra tìm mồi và chúng sẽ thành… mồi bữa trưa cho bạn. Gom củi khô nhóm lửa lấy than hồng. Cua được xiên que, lăn chậm tròn từ từ trên bếp than đến khi… vỏ cua chuyển màu nâu vàng bắt mắt, mình cua dậy nức mùi thơm là vừa. Cua Đá nướng cuốn bánh tráng, chấm mắm cơm ngon và lạ vô cùng! Một món ăn dân dã đất Tây Sơn không hề có trong menu bất cứ nhà hàng nào.

Xét cho cùng, với việc "về nguồn" nói trên, tôi chỉ là hậu duệ của một tiền bối họ Đào ở Tây Sơn. Ngót trăm năm trước, ông đã thể hiện quan niệm sống rất an nhiên của một bậc thức giả trước dâu bể cuộc đời:

"Thủng thẳng ăn chơi năm lụn năm
Cũng quên mùng Một cũng quên Rằm..."

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: