Trong "Nước non Bình Định", nhà thơ Quách Tấn đã giải thích: "Hầm Hô thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Hai ngọn nguồn của sông Đá Hàng, một từ vùng Núi Bà Cương, An Tượng chảy lên, một từ Đồng Le chảy ra, đến Đồng Giang hợp lại chảy ra Đồng Hươu rồi chảy thẳng ra sông Côn. Từ Đồng Giang đến Đồng Hươu gọi là Suối Hầm Hô".
Nghe địa danh Hầm Hô, du khách cứ hình dung là một “cái hầm”, nhưng thực ra đó là suối Hầm Hô.
Trong "Nước non Bình Định", nhà thơ Quách Tấn đã giải thích: "Hầm Hô thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn. Hai ngọn nguồn của sông Đá Hàng, một từ vùng Núi Bà Cương, An Tượng chảy lên, một từ Đồng Le chảy ra, đến Đồng Giang hợp lại chảy ra Đồng Hươu rồi chảy thẳng ra sông Côn. Từ Đồng Giang đến Đồng Hươu gọi là Suối Hầm Hô".
Lại có cách giải thích khác. "Ở đây, nước chảy trong lòng suối đá mọc lởm chởm, hai bên bờ đá dựng như thành, nơi bàn nơi khúc, húc hiểm gập ghềnh. Chảy được vài cây số thì đổ xuống một hầm đá rộng bồng bênh, bọt bắn tung tóe, tiếng kêu ồ ồ.Hầm ấy đích thị là Hầm Hô. Suối do hầm mà mệnh danh".
À, thì ra theo dòng suối có nhiều cái "hầm" nước, nước lao xuống hầm phải "hô" lên mà thành tên. Còn nữa: Suối Hầm Hô rất nhiều cá. Nhất là mùa gió Nam, mùa nước lụt, cá sông về nguồn đẻ, dồn vào đây lại càng nhiều. Từng bầy kéo vào suối trông " đặc cả nước", rồi đua nhau "bay" lên ngọn thác Hầm Hô mà về nguồn. Do đó Hầm Hô còn có tên nữa là "Thác Cá Bay". Sự dẫn giải của dân gian thì nhiều cho một cái tên, nhưng bạn phải đến tận nơi mới khám phái vẻ đẹp lạ kỳ của con suối Hầm Hô. Dòng sông Kút trải dài uốn lượn theo núi xanh trùng điệp với những cảnh quan hoành tráng nên thơ đang nép mình phía sau Hầm Hô. Còn Hầm Hô thì chỉ với một phần cảnh quan của mình, với đá hững hờ chen cùng nước, nước chảy tự độ cao chừng 5-8 mét xuống. Ngày 17/02/1995 UBND Bình Định đã ra Quyết định số 287/QĐ-UB công nhận khu danh thắng Hầm Hô, hiện Công ty cổ phần du lịch Hầm Hô quản lý và khai thác danh thắng xinh đẹp này, và thật sự đã tạo ấn tượng và cuốn hút khách xa gần đến Hầm Hô.
Du khách có thể đến Hầm hô bất cứ lúc nào, nhưng đẹp nhất là vào mùa hoa lộc vừng nở. Anh Giám đốc Công ty CPDL Hầm Hô Nguyễn Đình Sanh vui vẻ nói: "Khu vực rừng Hầm Hô có rất nhiều cây lộc vừng, và Hầm Hô có nhà hàng mang tên như thế". Nhà hàng có món đặc sản mà mới nghe giới thiệu bạn đã muốn ăn: cá mương chiên dòn ăn với lá non lộc vừng cuốn bánh tráng. Đó đúng là đặc sản của Hầm Hô, vì cá mương lại là loài cá sinh sản và sống rất nhiều ở dòng sông Kút. Tất nhiên rừng ở Hầm Hô không chỉ có lộc vừng. Con đường nhỏ chen trong rừng đi tiếp lên trên. Bao nhiêu cây cỏ ở đây đều đẹp, như những cây đùng hoặc các loại gỗ quí như gõ, lim… Đi mãi, cửa rừng mở toang ra cho nhìn thấy cảnh vật hoang sơ và đẹp.
Nhiều ngôi nhà sàn được thiết kế sát hai bên suối, khuất trong cỏ cây, dựa vào núi là chỗ nghỉ ngơi. Những gộp đá xếp ngẫu nhiên, những ô nước nhỏ giữa đá là chỗ tắm.
Vài chiếc cầu do bàn tay con người khéo léo sắp đặt làm duyên thêm cho không gian thiên nhiên. Với một chút lãng mạn, một chút phiêu lưu, bạn có thể thuê chiếc kayak rồi tự mình chèo dọc theo con suối, để nghe dưới thuyền, nước đang réo gọi. Thích thú hơn nữa là cùng ngồi trên chiếc thuyền nhỏ khám phá Hầm Hô cùng với hai người chèo thuyền ăn mặc theo trang phục nghĩa quân Tây Sơn. Một con suối nhỏ dài cả hơn 500 mét, chảy giữa rừng là cuộc hành trình chèo thuyền vượt qua.
Ngay tại cổng vào Hầm Hô, phía bên trái có một đền thờ. Đó là đền thờ hai cụ tiền hiền đã lập dựng Hầm Hô là ông Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng. Hàng năm, vào ngày 20- 01 âm lịch, tại đây có lễ cúng trang nghiêm của người dân đối với tiền nhân và ngày này trở thành ngày hội của Hầm Hô.
Nguồn: Người Tây Sơn 2011
Bình luận: