6 điềm du khách cần đến khi du lịch tây sơn

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Huyện Tây Sơn giáp với huyện Vĩnh Thạnh ở phía Tây Bắc, huyện Phù Cát ở phía Đông Bắc, Thị xã An Nhơn ở phía Đông Nam, huyện Vân Canh ở phía Nam, tỉnh Gia Lai ở phía Tây. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử và cảnh đẹp.

Di tích điện thờ Tây Sơn
Thuộc  khối  1,  thị  trấn  Phú  Phong,  huyện  Tây Sơn,  là  nơi  thờ  3  anh  em  Tây  Sơn.  Trước  Điện  Tây Sơn là sân rộng, tiếp đó là nhà bia ghi công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ. Chính điện gồm 3 gian, gian  giữa  thờ  Quang  Trung-  Nguyễn  Huệ,  gian  bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Nguyễn Lữ. Điện Tây Sơn được xây dựng trên nền nhà cũ của ba thủ lĩnh Tây Sơn và cũng chính là từ đường thờ ông bà Hồ Phi Phúc- Nguyễn Thị Đồng (những người đã sinh ra 3 anh em nhà Tây Sơn) là nơi 3 anh em nhà Tây Sơn cất tiếng khóc chào đời, đã cùng đi qua tuổi ấu  thơ  cho  đến  lúc  trưởng  thành  trở  thành  những lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc.
 
 

Di tích cây me- Giếng nước
Cây me có hơn 200 tuổi, tương truyền do thân sinh ba anh em Tây Sơn trồng, nằm ở bên cạnh điện Tây Sơn cành lá xum xuê che rợp cả một góc vườn, gốc cây có đường kính tới 3,5m, cây me đã đi vào ký ức dân gian trong một câu ca quen thuộc, trữ tình, đượm màu lịch sử:

"Cây Me cũ, bến Trầu xưa.
Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm."

Giếng nước nằm bên phải điện Tây Sơn, tương truyền có từ thời thân sinh ba anh em Tây Sơn, được xây bằng đá ong, đường kính 0,9m, thành giếng cao 0,8m.  Đến  nay  giếng  nước  xưa  vẫn  mát  trong  như ngày nào chắt chiu từng giọt nước ngọt lành nuôi lớn tâm hồn và ý chí Tây Sơn tam kiệt.

  Từ đường Bùi Thị Xuân
Bùi Thị Xuân là một nữ tướng xuất sắc của vua Quang Trung, có tài luyện voi đánh giặc, Bà đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp vẻ vang của phong trào khởi  nghĩa  Tây  Sơn.  Bùi  Thị  Xuân  hiện  được  thờ  tại từ đường họ Bùi ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, Bình Định
  Di tích Tháp Dương Long
Ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy  Nhơn  khoảng  50km,  được  xây  dựng  vào  cuối thế  kỷ  XII,  vào  thời  kỳ  phát  triển  rực  rỡ  nhất  của văn  hóa  nghệ  thuật  Chăm,  là  một  quần  thể  gồm 3  tháp  Chàm  (tháp  giữa  cao  24m,  hai  tháp  2  bên cao 22m). Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang  trí  vừa  sống  động  chân  thực,  vừa  huyền  ảo kỳ bí. Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chàm đẹp nhất miền Trung.
  Thắng cảnh Hầm Hô
Là một khúc sông dài gần 3 km chảy qua các khu rừng già với những tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ  trên  địa  bàn  xã  Tây  Phú,  huyện  Tây  Sơn,  cách Quy  nhơn  khoảng  55km.  Với  chiều  rộng  trên  dưới 30m,  lòng  sông  chi  chít  những  trụ  đá  hoa  cương thiên  hình  vạn  trạng  muôn  màu  lóng  lánh,  những khối đá như sống động, có hồn, bởi huyền tích do con người thêu dệt như Hòn Vò Rượu, hòn dấu chân ông Khổng Lồ, Bàn Cờ Tiên... Hầm Hô cũng là nơi khắc sâu lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, các nghĩa  binh  của  Mai  Xuân  Thưởng  và  cuộc  kháng chiến giành độc lập dân tộc.
  Lăng Mai Xuân Thưởng
Được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ trên một ngọn đồi cạnh quốc lộ 19 thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây  Sơn  để  tưởng  nhớ  Mai  Xuân  Thưởng-  lãnh  tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương kháng Pháp tại Bình Định. Từ trên ngọn đồi này, nơi năm xưa Mai Xuân  Thưởng  đã  dựng  cờ  khởi  nghĩa,  khách  tham quan có thể quan sát thấy các căn cứ kháng Pháp của nghĩa quân như: Phú Phong, Tiên Thuận, Linh Đổng,  Hương  Sơn..  Đã  hơn  một  trăm  năm  kể  từ ngày Mai Xuân Thưởng hy sinh nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lòng người dân Bình Định.

Nguồn: Người Tây Sơn 2011


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: