Về tây sơn ăn bánh cuốn

Đăng bởi Admin vào lúc 04-05-2018

Nước chấm được pha chế bằng đậu phụng giã nhỏ, vừa mằn mặn, vừa thơm thơm, vừa beo béo. Khi ăn không cắn ngang, vì sẽ làm cho "nội dung" bên trong dễ đổ ra ngoài, mà phải cắn chéo cuốn bánh.

Vùng đất nào cũng có những món ăn đặc trưng, mang tính địa phương mà những vùng khác không có, gọi là đặc sản. Thưởng thức các món đặc sản không chỉ là chuyện ăn uống mà là tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực mang tính văn hóa của một vùng. Do vậy, khi đến nơi nào có đặc sản địa phương mà bỏ qua cơ hội để thỏa lòng thì cũng thật là đáng tiếc.

Lang thang ở Bình Định, nghe mọi người nói có món bánh cuốn Tây Sơn đặc biệt lắm, tôi cũng đâm ra tò mò. Mặc dù giữa lòng thành phố Quy Nhơn cũng có quán bán bánh cuốn thương hiệu "Tây Sơn", nhưng trong tâm lý ăn uống của mọi người thì bánh cuốn Tây Sơn phải đến đất võ Tây Sơn ăn mới ngon, mới thú. Và thế là chúng tôi lên đường về quê hương của Tây Sơn tam kiệt.

Nhà văn, bác sĩ Trần Như Luận tuy công việc chung riêng đầy bận rộn, nhưng nể tình tôi từ xa ghé lại, vừa khách văn chương, vừa là đồng nghiệp nên đã tình nguyện chở tôi đi. Ban đầu anh định gọi cho bạn anh ở Tây Sơn là nhà thơ Trần Viết Dũng thông báo sẽ xuống đó vào buổi tối, nhàn đàm, lai rai và ở lại để sáng hôm sau thưởng thức bánh cuốn Tây Sơn. Rồi đi thăm nhà bảo tàng Quang Trung. Nhưng anh tìm số gọi cho bạn hoài không được. Chợt bảo: Thôi! Xuống đó tối, xa phố thị, vắng vẻ, cũng buồn. Mai đi sớm sẽ vẹn cả đôi đường. Thế là chúng tôi lên đường đi đất võ Tây Sơn vào rạng sáng ngày hôm sau để kịp cùng nhau ăn điểm tâm bằng món bánh cuốn.

"Nội dung" một cuốn bánh Tây Sơn

Là dân Quảng, thường ăn bánh tráng cuốn thịt heo, đôi khi tôi cũng cuốn những cuốn to đùng bằng rau, thịt và tất nhiên cuộn lại trong bánh tráng sống nhúng nước cho mềm. Nhưng khi ra tay tự làm món bánh cuốn Tây Sơn tôi mới thực sự "choáng" vì độ "khủng" của nó. Sử dụng đến hai cái bánh tráng làm lớp cuộn, một cái khác để khô dùng để làm... "đĩa", một xâu thịt bò nướng, vài lát đậu khuôn, vài miếng bánh tráng quấn ram chiên dòn, một đĩa nhỏ rau sống đủ loại rau mùi chân quê. Chưa hết, thêm một quả trứng gà luộc xắt lát theo chiều dọc để cho dễ cuốn. Tất cả trải lên "lớp đôi" bánh tráng đã nhúng nước cho mềm làm lá cuốn, và cuốn thành một cuộn tròn với hai đầu bóp lại sao cho thật gọn và thật khéo.

Nước chấm được pha chế bằng đậu phụng giã nhỏ, vừa mằn mặn, vừa thơm thơm, vừa beo béo. Khi ăn không cắn ngang, vì sẽ làm cho "nội dung" bên trong dễ đổ ra ngoài, mà phải cắn chéo cuốn bánh. Độ dẻo của bánh tráng, độ dòn cũng của bánh tráng, độ dai của thịt, độ béo của nước chấm, độ bùi của trứng và đậu khuôn, mùi thơm của rau, lẫn với mùi thơm của thịt nướng làm cho bữa ăn vừa hương vị, vừa âm thanh, vừa màu sắc thật là tỉnh trí và thích chí. Như vậy, bánh cuốn Tây Sơn được ăn bằng tay, bằng mắt, bằng miệng, bằng tai và cảm nhận bằng hồn. Nhiều giác quan được huy động cho món ẩm thực dân dã nhưng trở thành đặc sản nổi tiếng cả một vùng, mang lại cho du khách bốn phương những cảm giác thú vị khi tìm đến và thưởng thức.

Chúng tôi ăn mỗi người một cuốn đã thấy no. Nhìn sang các bàn lân cận cũng chẳng thấy ai đủ "dũng cảm" quấn đến cái thứ hai. Về mặt dinh dưỡng mà nói, chỉ cần một cuốn bánh thôi đã quá đủ năng lượng cho một bữa rồi. Thành phần trong cuốn bánh thật là cân đối. Nó bao gồm chất đạm trong thịt, trong trứng và đậu khuôn, chất bột trong bánh tráng, chất béo trong bánh chiên dòn, trong nước chấm, các vitamine và chất khoáng trong rau xanh và cả ở trong trứng. Tất cả đều là nguyên liệu tại chỗ, dễ tìm, trừ thịt bò, các thứ còn lại đều rẻ tiền. Có người nói rằng bánh cuốn Tây Sơn ra đời từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Nó giúp cho đội quân Tây Sơn có lương thực "cơ động" trong những chuyến hành quân hay luyện tập. Lịch sử ra đời của bánh cuốn Tây Sơn xin nhường lại cho các nhà nghiên cứu vậy.

Mai Hữu Phước
Nguồn: cadn.com.vn


Chia sẻ với bạn bè

Bình luận: